Thứ Sáu, 18/07/2025, 03:10:20

Ai sẽ là thủ lĩnh sinh viên TP.HCM năm nay?

Theo Tuổi trẻ 23/12/2019, 14:28

Tối ngày 22/12, hành trình đi tìm thủ lĩnh sinh viên TP.HCM năm 2019 sẽ khép lại bằng trận tranh tài cuối cùng với năm gương mặt đã vượt qua gần 700 thí sinh khác từ khi khởi động hội thi.

Ở mùa thi thứ năm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch góp mặt hai đại diện ở chung kết là Nguyễn Tuấn Đạt và Trương Đăng Quang. 

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có hai đại diện đều là nữ: Lê Thị Trúc Hà (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) và Ngô Hoài Tây Phượng (Trường ĐH Quốc tế). Ứng viên thủ lĩnh còn lại là Thái Trọng Nghĩa (Trường ĐH Mở TP.HCM).

“Hội thi không dừng lại là sân chơi mà giới thiệu một thế hệ cán bộ hội đủ năng lực, niềm tin, đại diện cho màu cờ sắc áo công tác hội sinh viên chúng ta đang theo đuổi", anh Phạm Kiều Hưng (trưởng ban tổ chức hội thi) chia sẻ.

Đã vượt chính mình

Hơn một tháng "cùng ăn, cùng ngủ" với hành trình đi tìm thủ lĩnh, Trọng Nghĩa tự nhận đã vượt qua chính bản thân, nhận ra rằng còn nhiều người xung quanh vẫn luôn đồng hành và ủng hộ bạn. Còn Trúc Hà nói đã thay đổi suy nghĩ về một người thủ lĩnh. 

"Thủ lĩnh không chỉ cần nhiệt huyết mà còn phải là người bạn chân thành nhất của sinh viên. Bạn chân thành mới thấu hiểu, biết bạn mình đang gặp phải vấn đề gì để có phương án thay đổi phù hợp nhất" - Hà giải thích.

Tuấn Đạt dùng khái niệm "tình yêu" để nói về "con người thủ lĩnh" trong mình. Anh chàng ví mọi người như những ngọn nến cháy và Đạt muốn trở thành tờ giấy thật lớn để có thể đủ sức cản hết những "cơn gió làm tắt nến". 

"Học được nhiều từ các bạn đến từ các trường, quan trọng là có cơ hội tự nhìn lại, hiểu giới hạn của bản thân và biết cách vượt qua, nhìn rõ hơn hình tượng thủ lĩnh mà mình muốn hướng đến" - Đạt chia sẻ cảm nghiệm sau hành trình đã qua.

Với Tây Phượng, hai năm trước bạn đã thi và đường đến danh hiệu thủ lĩnh khi ấy dừng lại ngay... vòng đầu tiên. Sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm trận mạc là bài học đúc rút cho chính mình. Lần trở lại này, đi đến chặng thi cuối cùng với cô sinh viên năm cuối ấy là bước ngoặt đáng nhớ, giúp Phượng "nhận diện rõ sự thay đổi, trưởng thành của bản thân qua những năm tháng học tập và rèn luyện".

Còn Đăng Quang muốn cảm ơn hội thi khi cho bạn trải nghiệm rất mới, học thêm nhiều kỹ năng, kiến thức và cảm nhận độ trưởng thành, bản lĩnh hơn trong nhận thức và hành động của mình. "Tôi đặc biệt thích khi gặp được những người cùng chung nhiệt huyết, đam mê công tác hội sinh viên như mình mà chỉ đến hội thi mới có được điều này" - Quang bộc bạch.

5 “thủ lĩnh” vào chung kết (từ trái qua): Lê Thị Trúc Hà, Thái Trọng Nghĩa, Ngô Hoài Tây Phượng, Nguyễn Tuấn Đạt và Trương Đăng Quang (Ảnh: Q.L)

Thao thức cùng sinh viên

Không chỉ là thi, từng vòng với các thử thách dành cho mỗi ứng viên cũng chính là lúc các bạn đang thực sự giải quyết các vấn đề hoàn toàn có thể gặp phải trong quá trình công tác. Tuấn Đạt cho rằng phong trào sinh viên không cần quá hào nhoáng, hô hào mãnh liệt, mà nên đi vào các hoạt động gần gũi, thiết thực, chạm đến vấn đề sinh viên quan tâm, giúp các bạn vận dụng kiến thức chuyên môn giải quyết yêu cầu thực tiễn, lúc ấy phong trào sẽ được ủng hộ.

Trúc Hà nghĩ sinh viên hôm nay sẽ chọn điều hấp dẫn, thời sự và phải "độc lạ". Tức là chỉ khi hoạt động của hội phù hợp nhu cầu sinh viên, cập nhật xu hướng, "bắt trend" và lạ hơn so với hoạt động của nhiều tổ chức khác mới đủ sức hút sinh viên. 

"Hoạt động luôn đi đôi với sinh viên trong nhu cầu, cùng xu hướng, thậm chí phải dẫn đầu xu hướng. Mà sáng tạo là thứ giúp một người thủ lĩnh trở nên khác biệt và không nhàm chán" - Hà phân tích.

Hoạt động hội không thể tách rời mà phải gắn chặt với đời sống hằng ngày, thậm chí hòa vào hoạt động thường ngày của sinh viên là suy nghĩ của Đăng Quang khi nói về thao thức của bản thân trong vai người cán bộ hội. Với Trọng Nghĩa, đó phải là câu trả lời cho những vấn đề sinh viên nào cũng cần: nhà trọ, chỗ làm, vui chơi... để sinh viên thấy hội không xa cách.

Riêng Tây Phượng, nữ thủ lĩnh kỳ vọng mỗi người khi tổ chức, thiết kế hoạt động, phong trào sinh viên cần nắm bắt và hiểu rõ nguyện vọng, mong muốn của sinh viên để ra những quyết định, thay đổi, cải tiến phù hợp. "Đáp ứng nhu cầu thôi chưa đủ, mà cần gợi sự tò mò để các bạn quan tâm tham gia" - Phượng nói.

Ý kiến của bạn:
Mời bạn thảo luận hoặc đánh giá về bài viết này
Bài liên quan
(HTV) - Những quy định mới trong Luật BHXH và Luật Việc làm vừa được phổ biến, nhấn mạnh các điểm đáng lưu ý về công tác thu BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho doanh nghiệp, cùng nhiều thay đổi quan trọng.
(HTV) - Từ năm 2025, 34 đơn vị cấp tỉnh sẽ được sắp xếp lại theo Nghị quyết mới nhất. Hàng loạt tỉnh, Thành phố sẽ hợp nhất, tạo nên những tên gọi và trung tâm mới.
(HTV) - Từ ngày 1/6, TP.HCM đồng loạt vận hành thử mô hình chính quyền địa phương cấp xã mới trên toàn địa bàn. Không chỉ kiểm tra hệ thống kỹ thuật, đây còn là đợt sát hạch toàn diện về con người, cơ sở vật chất và quy trình phối hợp hành chính.
(HTV) - Hội thảo khoa học toàn quốc “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Cuộc đời và tư tưởng” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức đã làm nổi bật tầm vóc của Đại tướng trên phương diện quân sự và di sản tinh thần dân tộc.
(HTV) - Tại hội thảo khoa học “Tầm nhìn quy hoạch và các động lực phát triển kinh tế của TP.HCM mới”, các chuyên gia nhận định rằng quy hoạch cần một tầm nhìn chung mà phải đảm bảo công bằng giữa các địa phương.
(HTV) - Chiều 17/6, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình về phòng chống hàng giả trong thương mại điện tử và sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp.
Ngôi nhà 4 tầng tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) bất ngờ bốc cháy dữ dội sau tiếng nổ lớn. Đến gần 19g, lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 nạn nhân tử vong.